Thị trường bếp gas sẽ đi về đâu ?

Thứ sáu, 15/04/2016, 13:16 GMT+7

1. Hỗn loạn thị trường bếp gas

 

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, trong vòng 1 tháng, lực lượng QLTT đã phát hiện bắt giữ gần một chục vụ, tàng trữ vận chuyển bếp gas giả, với số lượng hàng nghìn bếp các loại. Nhiều cửa hàng vẫnngang nhiên bày bán các loại bếp gas siêu rẻ, không đảm bảo an toàn, có thể gây ra cháy nổ bất kỳ lúc nào... Nhưng, việc xử lý các trường hợp vi phạm không hề đơn giản.



- Bảo hành... vô thời hạn?!

Tuần trước, có 2 người tự xưng là nhân viên của một hãng bếp gas khá nổi tiếng đến nhà tôi chào bán sản phẩm. Họ đưa ra một chiếc bếp gas đôi với giá chỉ có 120.000đ, kèm theo phiếu bảo hành. Thấy rẻ, tôi mua 1 chiếc dùng thử nhưng khi vừa bật bếp, tôi thấy lửa phụt ra rất mạnh rồi tắt ngấm, kéo theo đó là mùi khét lẹt”...

Trên đây là phản ánh của chị Nguyễn Ngọc Hà, ở khu tái định cư Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Chị Hà cho biết thêm: “Tôi bật đi bật lại nhiều lần thì thấy lửa không lên. Tôi mang bếp đến đại lý bảo hành thì được nhân viên ở đó cho biết tôi đã mua phải hàng rởm, vì trong số các sản phẩm công ty sản xuất, không có loại nào giống như chiếc bếp mà tôi đã mua...”

Không chỉ có chị Hà mà nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Loan, ở đường Trần Phú, thành phố Hà Đông bức xúc: “Nửa tháng nay, tại khu vực nhà tôi có một thanh niên đến quảng cáo sản phẩm bếp gas nhập từ Đức với giá khá rẻ, bảo hành hơn 2 năm, lại kèm theo hàng khuyến mại nên tôi đã mua một cái bếp gas đôi Zenika (giống như thương hiệu Zenka có bán ở các siêu thị điện máy) với giá 250.000đ (bằng 1/3 so với thị trường).

Nhưng dùng được mấy ngày, bộ phận phát lửa của bếp không đánh lửa, tôi gọi cửa hàng gas đến sửa giúp thì họ bảo không sửa được, gọi đến số điện thoại bảo hành thì điện thoại “ngoài vùng phủ sóng”! Người hàng xóm cạnh nhà tôi cũng mua 1 bếp nhãn hiệu Golsun, mặt kính, trông rất đẹp mắt và đặc biệt là giấy tờ bảo hành đầy đủ dấu đỏ với giá 300.000đ. Nhưng sử dụng bếp 1 tháng, mặt bếp bằng kính bỗng nhiên vỡ vụn, đến tìm đại lý bảo hành có ghi trong tờ giấy để đổi sản phẩm thì đó là địa chỉ ma. Đem sản phẩm ra cửa hàng sửa chữa thì họ đòi với giá bằng giá… mua sản phẩm?!”.

Điều đáng nói là hiện nay, tại một số cửa hàng đang ngang nhiên bày bán các loại bếp gas siêu rẻ, nhưng tuổi thọ thì... siêu ngắn. Tại một cửa hàng bán bếp gas trên phố Cầu Giấy chúng tôi được nhân viên cửa hàng này cho biết: “Có những chiếc bếp gas đôi giá chỉ gần 300.000đ. Đây là hàng do Trung Quốc sản xuất theo công nghệ các hãng nổi tiếng?! Loại bếp gas này được tiêu thụ khá mạnh do giá cả phải chăng, ai có nhu cầu bảo hành thì chúng tôi viết phiếu, bảo hành... vô thời hạn cũng được?!”...

- Hàng nghìn bếp gas giả bị thu giữ

Thời gian qua, một số cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển bếp gas giả đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý. Ngày 2-1, tại số nhà 5/424 đường Láng, Hà Nội, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 13 phối hợp với Đội CSĐT về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an quận Thanh Xuân đã phát hiện và bắt giữ 1 vụ vận chuyển và tàng trữ bếp gas giả với số lượng lớn. Đội QLTT số 13 đã lập biên bản và tạm giữ khoảng 400 bếp gas mang nhãn hiệu Rinnai, Goldsun... Theo nhận định ban đầu, số bếp gas này không có chứng từ hóa đơn xuất xứ. Trong quá trình kiểm tra ngoài giả nhãn mác, chất lượng bếp rất kém, do linh kiện lắp ráp đều nhập từ nước ngoài không rõ nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân rất dễ gây cháy nổ.

Theo thông tin từ Chi cục QLTT Hà Nội, trong vòng 1 tháng, lực lượng QLTT đã phát hiện bắt giữ gần một chục vụ, tàng trữ vận chuyển bếp gas giả, với số lượng hàng nghìn bếp các loại. Một cán bộ thuộc Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Các khu tái định cư, vùng ven đô là địa bàn hoạt động chính của các đối tượng bán dạo bếp gas siêu rẻ.

Các đối tượng này nắm bắt tâm lý chuộng hàng rẻ và đã có những chính sách tiếp thị hấp dẫn nên nhiều người nội trợ đã mắc lừa. Chỉ khi sản phẩm không sử dụng được người dân mới phản ánh, nhưng cơ quan chức năng rất khó can thiệp do họ đã “thuận mua, vừa bán”. Ông Phạm Bá Dục - nguyên Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, với sản phẩm bếp gas không có tem nhập khẩu, không nhãn mác sẽ bị tạm giữ để xác minh. Trong trường hợp chủ cửa hàng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, số hàng đó sẽ bị tịch thu, chủ cửa hàng bị xử phạt hành chính.

Theo cơ quan chức năng hiện có tới 50% hộ gia đình tại các thành phố lớn sử dụng bếp gas nhưng thị trường gas và bếp gas dường như đang bị buông lỏng.

Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, người có hành vi buôn bán bếp gas giả, nhái, kém chất lượng đã vi phạm điều 156 - BLHS 1999 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Khách thể của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là: Hành vi này xâm hại trật tự của nền sản xuất hàng hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại lợi ích của người tiêu dùng;

Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi sản xuất hàng giả là hành vi tạo ra các loại hàng giả nói trên, người phạm tội có thể tham gia vào toàn bộ quá trình làm hàng giả hoặc chỉ tham gia vào một công đoạn nào đó của quá trình làm hàng giả; Hành vi buôn bán hàng giả là hành vi mua đi, bán lại loại hàng hóa mà biết rõ là hàng giả nhằm thu lợi bất chính. Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp. Cá nhân sản xuất, buôn bán bếp gas giả với giá rẻ đã làm mất tính ổn định trên thị trường của loại mặt hàng này, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh doanh bếp gas có uy tín, xâm hại lợi ích của người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, hành vi này có thể gây chết người, hủy hoại tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng...

2. Thả nổi tiêu chuẩn an toàn bếp gas

Trung bình mỗi năm người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu chiếc bếp gas nói chung. Riêng về bếp gas mini, Việt Nam là một trong ba nước tiêu thụ lớn nhất thế giới với khoảng 2,5 triệu chiếc/năm. Thế nhưng, chất lượng bếp gas được sản xuất trong nước hiện nay đang bị thả nổi.

 

Khách mua bếp lưỡng lự khó phân biệt chất lượng sản phẩm khi bản hướng dẫn sử dụng ghi tiêu chuẩn kỹ thuật bếp rất chung chung 

Thị trường bếp gas tại TP.HCM hiện có hàng trăm loại, nhãn mác của nhiều cơ sở sản xuất khác nhau. Một nhân viên cửa hàng bán sản phẩm này thừa nhận, thật khó mà biết chất lượng của từng loại tốt xấu thế nào. Chỉ có thể nhìn nhận cảm quan vào vật liệu, van an toàn và mức độ quảng cáo rầm rộ sản phẩm. 

- Mỗi nơi một kiểu:

Nói về tiêu chuẩn sản xuất bếp gas mini của công ty, ông Nghiêm Xuân Khải, trưởng phòng quản lý chất lượng công ty sản xuất bếp gas Namilux cho biết, công ty đang phải áp dụng tiêu chuẩn của Nhật Bản thì mới xuất khẩu sản phẩm đi được. Tuy nhiên, khi sản xuất bếp dùng ở Việt Nam, công ty ông buộc phải thay đổi một số tiêu chuẩn thì bếp mới sử dụng được khi mà người dân thường dùng bình gas mini bơm đi bơm lại nhiều lần. Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc Namilux, thực ra với loại bếp mini thì Việt Nam đã có hẳn một bộ tiêu chuẩn (VN TCVN 7053:2002 cho loại bếp nấu ăn xách tay gắn chai khí đốt hoá lỏng), và khi so sánh với các bộ tiêu chuẩn sản xuất bếp gas mini của nước ngoài thì nó chẳng khác gì. Nhưng tiêu chuẩn cho loại bếp gas sử dụng bình gas lớn thì công ty tự xây dựng và đưa ra một tiêu chuẩn riêng.

Cũng cho biết công ty tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho các loại bếp gas của mình, ông Nguyễn Văn Hải, trưởng phòng quản lý chất lượng Rinnai nói “phải nhờ vào sự tư vấn hỗ trợ của phía Nhật Bản, vì công ty thuộc tập đoàn Rinnai Nhật”.

Tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn, nên thực tế phần lớn các công ty, cơ sở sản xuất bếp gas hiện nay đều làm ở mức mình kham nổi, còn an toàn ra sao, khó mà kiểm chứng được. “Chúng tôi chả dại gì đi công bố những tiêu chuẩn khắt khe để làm khó mình, bởi việc đảm bảo an toàn bếp gas phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố mà chúng tôi khó kiểm soát được!”, giám đốc một công ty sản xuất bếp gas thẳng thắn.

- Thả nổi:

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM cho biết, trước đây các cơ sở sản xuất bếp gas đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá với chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, và chi cục là đơn vị có trách nhiệm giám sát, kiểm tra. Nhưng kể từ khi luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá có hiệu lực, sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (danh mục nhóm 2) được phân về các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành danh mục, thì sản phẩm bếp gas chưa được đưa vào danh mục do bộ Khoa học và công nghệ quản lý. Do đó, các cơ quan chức năng chỉ thực hiện việc kiểm tra, giám sát khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại về chất lượng bếp gas và căn cứ đánh giá theo tiêu chuẩn do doanh nghiệp công bố áp dụng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực, do một số bộ ngành liên quan đến nay vẫn chưa ban hành danh mục nhóm 2 nên hiện cũng chẳng biết sản phẩm bếp gas nằm trong danh mục do bộ ngành nào quản lý! Vì vậy, tình trạng mỗi cơ sở sản xuất tự xây dựng và tự công bố một tiêu chuẩn riêng cho bếp gas là điều chẳng thể nào bắt bẻ (!) Nếu xảy ra cháy nổ hoặc tranh chấp giữa cơ sở sản xuất và người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm, mà cơ sở sản xuất vẫn đảm bảo tiêu chuẩn do họ tự công bố thì người tiêu dùng chỉ có thể im lặng chấp nhận thiệt hại. Đáng lo ngại, các cơ sở hiện nay nhập hoặc mua vật liệu từ nhiều nguồn không kiểm soát được để sản xuất bếp gas. 

Riêng về tiêu chuẩn cho khí đốt hoá lỏng, bà Nga cho biết hiện bộ Khoa học và công nghệ đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng. Theo các nhà khoa học, về lâu dài, nếu khí gas không được kiểm soát và quy định chặt chẽ ở mức cho phép thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dùng.

 


Nguồn Internet.


Copyright 2010 © Công ty TNHH SXCK TMDV Tiến Phát